THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính có đặc điểm là nứt vỡ và mất sụn khớp cùng với những thay đổi khác của khớp, bao gồm phì đại xương (hình thành gai xương). Triệu chứng bao gồm đau xuất hiện dần dần, tăng hoặc khởi phát sau vận động, cứng khớp kéo dài < 30 phút sau khi thức dậy và sau khi không hoạt động, và thỉnh thoảng có sưng khớp.

Thoái hóa khớp, bệnh khớp phổ biến nhất, thường có triệu chứng ở tuổi 40 và 50 và gần như toàn bộ (mặc dù không phải lúc nào cũng có triệu chứng) ở tuổi 80. Chỉ có một nửa số bệnh nhân thoái hóa khớp có triệu chứng. Dưới 40 tuổi, hầu hết thoái hóa khớp lớn xảy ra ở nam giới và thường là kết quả của chấn thương hoặc biến đổi giải phẫu (ví dụ, loạn sản xương hông). Từ 40 đến 70 tuổi, thoái hóa khớp hay gặp ở phụ nữ, còn trên 70 tuổi, tỷ lệ thoái hóa khớp ở nam và nữ là như nhau.

PHÂN LOẠI THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hóa khớp được phân loại thành nguyên phát (tự phát) hoặc thứ phát đối với một số nguyên nhân đã biết.

Thoái hóa khớp nguyên phát có thể khu trú ở một số khớp (ví dụ, mềm sụn ở xương bánh chè là thoái hóa khớp nhẹ xảy ra ở những người trẻ tuổi). Thoái hóa khớp nguyên phát thường được chia thành các vị trí khớp bị ảnh hưởng (ví dụ như bàn tay, bàn chân, khớp gối, háng). Nếu thoái hóa khớp nguyên phát liên quan đến nhiều khớp, nó được phân loại là thoái hóa khớp nguyên phát toàn thể.

thoái hóa khớp thứ phát là do thay đổi vi môi trường của sụn khớp. Những tình trạng này bao gồm chấn thương nặng, bất thường khớp bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa (ví dụ, bệnh ứ sắt, bệnh Wilson), nhiễm trùng (gây viêm khớp sau nhiễm trùng), bệnh nội tiết và thần kinh, và rối loạn làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn hyalin (ví dụ viêm khớp dạng thấp, bệnh Gout, bệnh Calci hóa sụn).

TRIỆU CHỨNG VÀ DẤU HIỆU THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hoá khớp thường bắt đầu từ từ, thường bắt đầu với một hoặc vài khớp. Đau là triệu chứng sớm nhất của thoái hoá khớp, đôi khi được mô tả là đau sâu. Đau thường tăng lên ở những tư thế chịu trọng lực và giảm khi nghỉ ngơi nhưng cuối cùng có thể đau liên tục. Cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc không hoạt động nhưng kéo dài < 30 phút và giảm đi khi vận động. Khi thoái hoá khớp tiến triển, vận động khớp sẽ trở nên hạn chế, xuất hiện đau và cảm giác lục khục, lạo xạo. Sự tăng sinh của sụn, xương, dây chằng, gân, bao khớp, và màng hoạt dịch, cùng với tràn dịch khớp với các mức độ khác nhau, cuối cùng sẽ gây ra tình trạng sưng khớp trong thoái hoá khớp. Có thể xuất hiện co cứng ở tư thế gấp ở giai đoạn muộn. Viêm màng hoạt dịch cấp và nặng là không phổ biến.

Đau khi sờ và đau khi vận động thụ động là những dấu hiệu tương đối muộn. Co cứng cơ và co rút làm đau tăng. Chèn ép cơ học bởi dị vật nội khớp hoặc mảnh sụn chêm bất thường vị trí có thể gây kẹt khớp. Sự biến dạng và các lỏng lẻo cũng có thể xuất hiện.

Các khớp thường bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thoái hóa khớp toàn thể bao gồm:

  • khớp liên đốt xa (DIP) và khớp liên đốt gần (PIP) (gây ra các hạt Heberden và Bouchard)

  • Khớp bàn ngón tay cái

  • Đĩa đệm và khớp liên mấu trong thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng

  • Khớp bàn ngón chân cái

  • Khớp háng

  • Khớp gối

Thoái hóa cột sống cổ và cột sống thắt lưng có thể dẫn đến bệnh lý tủy hoặc rễ thần kinh. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương tủy sống thường nhẹ. Hẹp ống sống thắt lưng có thể gây đau lưng hoặc đau chân tăng lên khi đi bộ (đau cách hồi thần kinh, đôi khi được gọi là giả đau cách hồi) hoặc khi ưỡn lưng. Bệnh lý rễ thần kinh có thể nổi trội hơn nhưng ít phổ biến hơn vì rễ thần kinh và hạch được bảo vệ tốt. Thỉnh thoảng có thể xảy ra thiếu máu động mạch đốt sống, nhồi máu tủy sống và khó nuốt do chèn ép thức quản bởi gai xương cột sống cổ. Nói chung, các triệu chứng cơ năng và thực thể do thoái hóa khớp có thể do bao gồm tổn thương xương dưới sụn, các cấu trúc dây chằng, màng hoạt dịch, nang thanh dịch cạnh khớp, bao khớp, cơ, gân, đĩa và màng xương, dẫn đến tình trạng đau. Áp lực tĩnh mạch có thể tăng trong tủy xương dưới sụn và gây đau (đôi khi được gọi là đau xương do thiếu máu).

Thoái hóa khớp háng gây hạn chế vận động dần dần và thường có triệu chứng trong các hoạt động chịu lực. Có thể đau ở vùng bẹn hoặc mấu chuyển lớn hoặc lan tới đùi và đầu gối.

Thoái hóa khớp gối gây mất sụn (mất sụn ở khoang trong gặp ở 70% trường hợp). Các dây chằng lỏng lẻo và khớp trở nên mất vững, với đau do tổn thương dây chằng và gân.

Thoái hóa khớp bào mòn gây ra viêm màng hoạt dịch và kén hoạt dịch ở bàn tay. Chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ngón gần hoặc xa. Khớp bàn ngón cái bị ảnh hưởng tới 20% thoái hóa khớp bàn tay, nhưng khớp và cổ tay và các khớp bàn ngón khác thường không bị. Vào thời điểm này, không rõ liệu thoái hóa khớp đốt ngón có bào mòn là một biến thể của thoái hóa khớp bàn tay hay là một bệnh riêng biệt.

Thoái hóa khớp thỉnh thoảng tiến triển không định trước nhưng đôi khi, không dự đoán được, có thể dừng lại hoặc đảo ngược.

Nguồn: Apostolos Kontzias , MD, Stony Brook University School of Medicine

Bài viết cùng chủ đề:

TRINH NỮ HOÀNG CUNG

Trinh nữ hoàng cung Tên tiếng Việt: Hoàng cung trinh nữ, Náng lá rộng, Tỏi lơi lá rộng Tên khoa học: Crinum latifolium L. Họ: Amaryllidaceae (Loa kèn đỏ) Công dụng: Chữa ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư tử cung (Lá). Trong lá có chứa lycirin là một alcaloid độc, khi dùng phải cận thận..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *